Khám phá Động Pusamcap Lai Châu - Tây Bắc đệ nhất động
Động Pusamcap hay còn được gọi là Pu Sam Cáp (Lai Châu) được mệnh danh Tây Bắc đệ nhất động. Nơi đây ngày càng được nhiều du khách biết đến và yêu thích bởi sự hùng vĩ, hoành tráng của cảnh sắc thiên nhiên kiến tạo. Đồng thời, các câu chuyện tương truyền gắn liền với sự hình thành, phát triển của quần thể động Pusamcap mang lại sự tò mò cho mọi người.
Giới thiệu đôi nét về hang động Pusamcap
Vùng núi Tây Bắc được nhiên thiên ưu ái ban tặng các dãy núi đá vôi hùng vĩ, những cánh rừng xanh mát. Theo dòng chảy của hàng triệu năm lịch sử, thiên nhiên đã kiến tạo nên hang động trong lòng núi với nhũ đá kỳ ảo, hình thù đặc sắc, khiến con người bao năm vẫn ngạc nhiên.
Khám phá Tây Sơn đệ nhất động Pusamcap Lai Châu.
Động Pusamcap theo tiếng Thái là Pu Sam Cáp, có nghĩa là ba quả núi lớn chồng lên nhau. Quần thể hang động, dãy núi đá vôi dạng địa hình karst nằm men theo đường tỉnh lộ 129 đi cao nguyên Sìn Hồ. Nơi đây chỉ cách trung tâm thị xã Lai Châu khoảng 6 km về phía Tây, nằm trên độ cao 1.700m so với mực nước biển.
Đường đến hang động Pusamcap được đánh giá là khó đi, vừa khúc khuỷu vừa gập ghềnh. Nơi đây chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phát triển và công nghiệp hóa. Các cây cổ thụ còn sừng sững, phủ kín rêu phong, những cây tầm gửi bám đầy, du khách bước chân vào như đang mở ra những bí ẩn thiêng liêng của đại ngàn.
Cách di chuyển đến hang động Pusamcap (Pu Sam Cáp)
Để tới được hang động Pusamcap có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Tuy nhiên để an toàn và tiết kiệm nhất, bạn nên chọn xe khách.
Ở trung tâm Hà Nội, có thể tới bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát để bắt xe. Giá vé Hà Nội đi Lai Châu chỉ khoảng khoảng 200.000 VNĐ – 350.000 VNĐ/vé 1 chiều, khung giờ xe chạy từ 16h – 22h30.
Khi tới được thành phố Lai Châu, thì du khách tiếp tục bắt xe taxi hoặc xe ôm chở đến Pu Sam Cáp (khoảng 7km).
Trường hợp du khách là phượt thủ thì có thể di chuyển theo cung đường sau: Từ trung tâm Hà Nội tới Hồ Tùng Mậu, chạy theo quốc lộ 32 tới xã Nghĩa Lộ. Tiếp tục qua đèo Khau Phạ, đến Tân Uyên, ngã ba Bình Lư thì rẽ trái tới quốc lộ 4D. Sau đó, đi thẳng đến Lai Châu. Quãng đường đến động Pusamcap khoảng 420km.
Truyện thuyết về hang động Pusamcap
Hang động Pusamcap có một câu chuyện truyền thuyết lâu đời, mỗi hành trình thám hiểm, các du khách đều được người dân nơi đây kể lại.
Tích xưa nói rằng tương truyền Ải Sái Hịa là người nhà Trời, được sai xuống để khai hoang mở đất. Xuống dân gian, Ải khai phá đất hoang thành những ruộng lúa, buổi sáng thì nhổ mạ ở Mường Thanh, trưa về Mường Lò ăn cơm, chiều lại đi cấy ở Mường Tắt và Mường Than. Dãy núi Pu Sam Cáp chính là chứng tích của ba vùng mà Ải làm ngày ấy.
Động Pusamcap có truyền thuyết về câu chuyện tình buồn của nàng Thị Lài.
Ngoài ra, động Pusamcap còn gắn liền với câu chuyện tình buồn của người con gái tên Thị Lài. Thị Lài đến tuổi trăng tròn, nàng sở hữu nhan sắc tuyệt đẹp. Dù được nhiều trai bản say đắm nhưng nàng chỉ yêu một mình chàng trai nghèo giàu lòng nhân ái.
Cha mẹ nàng vì cái nghèo, cái bụng đói, cái nhà rách mà đã nhận gùi thóc, con trâu của tên trưởng bản độc ác. Thị Lài buồn lắm, rồi vì thương người yêu, chàng trai đã cùng nàng chạy trốn.
Cảm thông cho cuộc tình đẹp nhưng ngang trái nên thần rừng, thần núi đã đặt giữa núi rừng Tây Bắc một ngôi nhà bằng đá được cánh rừng Móc che chở. Họ sống hạnh phúc, vui vẻ và có những đứa con thơ. Một ngày kia, người chồng đang đi săn bắt thì tên trưởng bản tìm đến, giết chết con voi, thú, sư tử đang canh giữ xung quanh nhà.
Thị Lài sợ hãi, ôm những đứa con khóc thét trong nức nở. Nàng đứng chết lặng hướng về nơi bàn thờ mà cầu nguyện. Chỉ một lúc sau, mây đen kéo đến, trời đất tối đen như mực, sấm chớp vang trời. Mọi thứ trở lại bình yên, chỉ có mẹ con Thị Lài và tổ ấm của họ thì đều hoá thành đá.
Thực hư câu chuyện chưa được chức thực nhưng tới nay nhiều người còn thấy tại động Pusamcap bóng dáng Thị Lài ôm con đứng chết lặng ở đó.
Các điểm tham quan tại hang động Pusamcap
Quần thể hang động Pusamcap mới chỉ được người dân phát hiện vào tháng 7/2006 gồm 10 hang động lớn nhỏ. Trong đó, có 3 hang động chính Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh, sở hữu sự kiến tạo bền bỉ của thiên nhiên, mang vẻ kỳ bí, hoang sơ.
Vẻ đẹp Động Pu Sam Cáp
Động Thiên Môn
Động Thiên Môn là điểm đầu tiên nếu bạn đang trong hành trình khám phá hang động Pu Sam Cáp. Chiều sâu hun hút với vòm cửa lớn, càng vào sâu vòm hang càng cao rộng.
Hình dạng các khối nhũ độc đáo, từ cột nhũ vàng xòe ra rồi rũ xuống, hình thù độc đáo. Cuối động hiện ra như một cung điện nguy nga, cột nhũ tới mấy người ôm, óng ánh rực rỡ. Nguồn gió lạnh từ bên ngoài thổi vào, luồn qua các cột nhũ, va vào vách đá, tạo âm thanh trầm bổng.
Động Thiên Đường
Mất thêm nửa tiếng luồn rừng, lội suối bạn sẽ thấy Động Thiên Đường khi rời Thiên Môn. Đường tới động cheo leo, hiểm trở, những tán rừng cổ thụ còn nguyên sơ. Càng đi sâu vào, các khối nhũ càng hoành tráng, đa sắc, đa chiều. Sự kiến tạo từ thiên nhiên đầy ngẫu hứng và sinh động.
Động Thủy Tinh
Động Thủy Tinh có vị trí không thuận lợi, chưa đảm bảo an toàn cho toàn bộ khách du lịch. Nơi đây vẫn là một ẩn số kỳ bí, hứa hẹn là địa điểm hấp dẫn cho bất kỳ ai ưa mạo hiểm, phiêu lưu.
Trên đây là một số thông tin về động Pusamcap, hiện nay đã có rất nhiều đoàn du lịch khám phá vùng đất này. Cùng chiêm ngưỡng tận mắt Tây Bắc đệ nhất động còn hoang sơ vào một ngày gần nhất.